Sản phẩm OCOP của Hà Tĩnh từng được các đồng chí lãnh đạo Trung ương đánh giá cao.
Hà Tĩnh xác định cốt lõi trong xây dựng NTM là nâng cao mức sống của người dân, trong đó chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được xem giải pháp đột phá của mục tiêu đó. Thực tế, đầu tàu OCOP đã mang lại nhiều khởi sắc cho NTM khi thu nhập của người dân tham gia chương trình từng bước được nâng cao. Điển hình như huyện Hương Sơn, việc xây dựng chuỗi sản phẩm OCOP được địa phương chú trọng trong quá trình xây dựng NTM.
Từ chương trình OCOP, nhiều sản phẩm chủ lực như: kẹo cu đơ Bà Hường; nhung hươu tươi, khô tán bột, khô thái lát, rượu nhung hươu... của các cơ sở Hiền Ngọc, Thuận Hà; mật ong Cường Nga... ngày càng phát triển, khẳng định uy tín với người tiêu dùng, mang lại thu nhập cao cho người dân. Đến nay, toàn huyện Hương Sơn có 48 sản phẩm nông nghiệp của 29 cơ sở sản xuất đã được công nhận đạt chuẩn OCOP.
Chị Nguyễn Thị Thu Hiền ở xã Sơn Giang chia sẻ, năm 2020, được sự khuyến khích, hỗ trợ của chính quyền địa phương, gia đình đã đăng ký tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm. Từ một vài sản phẩm thô sơ ban đầu, đến nay cơ sở chế biến nhung hươu của gia đình đã sản xuất được 6 sản phẩm từ nhung hươu, bình quân mỗi năm tiêu thụ gần 2 tấn hàng hóa, giá trị sản xuất tăng 30% so với trước đây.
Doanh số bán hàng của sản phẩm rượu nhung hươu Hiền Ngọc (Hương Sơn) tăng lên nhiều lần sau khi đạt chuẩn OCOP.
Thời gian qua, chương trình OCOP được triển khai tích cực và đạt được nhiều kết quả nhất định. Các địa phương đã khai thác hiệu quả tài nguyên bản địa, tạo ra sinh kế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn và nâng cao thu nhập cho người dân. Đến nay, Hà Tĩnh có 239 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, các sản phẩm sau khi được công nhận đã được nâng cao về chất lượng, từng bước thay đổi mẫu mã đáp ứng với thị hiếu của người tiêu dùng.
Ông Ngô Đình Long - Phó Chánh Văn phòng NTM tỉnh cho hay, doanh số bán hàng của các sản phẩm OCOP năm qua đều tăng, bình quân tăng 40% so với trước. Cá biệt có những sản phẩm doanh thu tăng nhiều lần như: nước mắm Phú Khương (huyện Kỳ Anh); nước mắm Luận Nghiệp (TX Kỳ Anh); mật ong Cường Nga, rượu nhung hươu Hiền Ngọc (Hương Sơn)...
Theo thống kê, có hơn 2.000 lao động làm việc trực tiếp tại các cơ sở OCOP với mức lương 4-6 triệu đồng/người/tháng, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động gián tiếp. Thị trường tiêu thụ của các sản phẩm OCOP ngày càng được mở rộng. Một số mặt hàng trước đây chỉ bán trong xã, trong huyện hiện đã tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Đặc biệt có 6 sản phẩm xuất khẩu sang các nước, gồm: bánh ram Anh Thu (Hàn Quốc), bánh ram Nam Chi (Hàn Quốc), cu đơ Bà Hường (New Zealand), bánh đa vừng Nguyên Lâm (Nga, Nhật Bản), sứa Mai Dung (Nhật Bản), nước mắm Luận Nghiệp (Nga, Australia).
Sản phẩm bánh đa vừng Nguyên Lâm (huyện Kỳ Anh) sau khi được công nhận OCOP đã xuất khẩu thành công ra thị trường Nhật Bản và Nga.
Ông Lê Văn Duẩn - Giám đốc HTX Sản xuất, thương mại và dịch vụ Nguyên Lâm (huyện Kỳ Anh) phấn khởi chia sẻ, 2023 là năm thứ 3 sản phẩm bánh đa vừng Nguyên Lâm “xuất ngoại”, chinh phục các thị trường khó tính như Nhật Bản và các nước châu Âu. Nhờ đó, dự kiến doanh thu năm 2023 của HTX đạt hơn 6,2 tỷ đồng. Hiện tại, HTX đang tạo việc làm cho hơn 15 lao động với mức thu nhập ổn định.
Ông Nguyễn Quang Thọ - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, chương trình OCOP với những cách làm bài bản, sáng tạo, hiệu quả đang góp phần đưa lại diện mạo mới cho NTM Hà Tĩnh. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện, ngày càng văn minh, hiện đại, giàu có hơn. Trong xu thế hiện nay, chương trình OCOP sẽ là trụ cột trong phát triển kinh tế nông thôn. Do đó, theo bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2022-2025 của UBND tỉnh quy định xã NTM nâng cao ít nhất phải có 1 sản phẩm OCOP 3 sao.
Để chương trình OCOP đi vào chiều sâu, Văn phòng NTM tỉnh đang chỉ đạo các địa phương tiếp tục khai thác tiềm năng, thế mạnh, sản phẩm đặc trưng để tuyên truyền, khuyến khích, vận động các tổ chức, cá nhân đăng ký ý tưởng tham gia chương trình; đặc biệt là các sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm làng nghề, dịch vụ du lịch dựa trên thế mạnh, lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn nguyên liệu, tri thức và văn hóa bản địa. Cùng đó, các cấp, ngành sẽ tư vấn, hỗ trợ các cơ sở OCOP mở rộng quy mô sản xuất, đạt tiêu chuẩn, điều kiện xuất khẩu. Tổ chức liên kết sản xuất giữa các cơ sở OCOP có cùng loại sản phẩm tiềm năng để dần hình thành và xây dựng thương hiệu lớn, thương hiệu tập thể.
Đặc biệt, khơi dậy sự sáng tạo trong Nhân dân để tiếp tục phát triển sản phẩm mới, sản phẩm chế biến, chế biến sâu. Rà soát, lựa chọn một số sản phẩm tiêu biểu, lợi thế của tỉnh để củng cố, nâng cấp, hỗ trợ xây dựng, phát triển nâng cấp thành sản phẩm OCOP 4 sao, 5 sao. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đặc biệt trên các nền tảng số, sàn giao dịch thương mại điện tử; hỗ trợ người sản xuất tìm kiếm các thị trường mới có tiềm năng.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn